Baselworld là gì? Lịch sử phát triển hơn 100 năm của triển lãm Baselworld
1. Baselworld là gì?
Baselworld là triển lãm thương mại hàng đầu của ngành đồng hồ và trang sức quốc tế, diễn ra vào mỗi mùa xuân tại thành phố Basel – Thụy Sỹ. Đây là nơi quy tụ những thương hiệu nổi bật nhất của ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức.
Baselworld là cơ hội để các thương hiệu đồng hồ, trang sức và đá quý giới thiệu sản phẩm mới nhất của họ cho những người trong ngành. Triển lãm này cung cấp nền tảng lý tưởng để phục vụ cho mục đích kinh doanh và quảng bá sản phẩm. Trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, triển lãm Baselworld là sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế tác đồng hồ, và cũng là nơi làm nên tên tuổi của nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Baselworld đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ trong suốt hơn 100 năm - ảnh 1
2. Lịch sử phát triển của triển lãm Baselworld
Với hơn 100 năm tồn tại, triển lãm Baselworld đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng có sức ảnh hưởng lớn đối với ngành công nghiệp đồng hồ. Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn:
Năm 1917: Triển lãm Baselworld được tổ chức lần đầu tiên dưới tên gọi Schweizer Mustermesse Basel (MUBA). Nơi đây trưng bày các sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả đồng hồ và trang sức. Trong số 831 đơn vị tham gia triển lãm, có 29 đơn vị thuộc danh mục đồng hồ và trang sức, với một vài cái tên tiêu biểu như Tissot, Longines và Ulysse Nardin.
Năm 1931: Đồng hồ có hội chợ riêng, và Schweizer Uhrenmesse (Hội chợ đồng hồ Thụy Sỹ) được tổ chức song song với MUBA trong khu vực. Trong giai đoạn này, chính phủ Thụy Sỹ đã tài trợ cho nhiều sáng kiến nhằm duy trì sự quan tâm về đồng hồ sau khi nhu cầu bị giảm sút mạnh mẽ bởi hai cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, không có sáng kiến nào mang đến hiệu quả cao như hội chợ Basel.
Năm 1972: Hội chợ Basel mở cửa cho các thương hiệu từ Pháp, Đức, Anh và Ý, đồng thời đổi tên thành Hội chợ trang sức Liên Minh Châu Âu (European Union Jewelry Fair).
Năm 1983-1986: Hội chợ đổi tên thành BASEL và hai chữ số biểu thị năm triển lãm. BASEL 83 đánh dấu việc Swatch Group ra mắt chiếc đồng hồ Swatch cải tiến làm bằng nhựa với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động. Đây được xem là động thái quan trọng để cứu vãn ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ đang suy yếu. Ba năm sau, các công ty trên khắp thế giới được phép trưng bày sản phẩm của mình tại triển lãm. Đây cũng là năm đánh dấu việc hội chợ Basel vươn mình trở thành hội chợ thương mại quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức.
Năm 2003: Hội chợ BASEL đổi tên thành Baselworld: Triển lãm đồng hồ và trang sức.
Năm 2007: Baselworld đạt cột mốc ấn tượng khi lần đầu tiên ghi nhận hơn 100.000 lượt khách tham quan triển lãm, đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau.
2007 là năm ghi nhận số lượng khách tham quan vượt trội - ảnh 2
Năm 2011: Baselworld ghi nhận gần 2000 thương hiệu tham gia. Số lượng khách tham quan cũng tăng 2.5% so với năm 2010. MCH Group ở thời điểm đó đã tuyên bố rằng Baselworld sẽ đi vào lịch sử như một điểm nhấn ngoạn mục.
Năm 2014: MCH Group báo cáo 150.000 du khách đến Baselworld – lượng người tham dự cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, số lượng người mua trong ngành lại giảm 4% so với năm 2013.
Năm 2016-2020: Baselworld rơi vào giai đoạn thoái trào với việc hàng loạt thương hiệu lớn tuyên bố rời khỏi triển lãm. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 cũng khiến cho triển lãm Baselworld không thể diễn ra.
2016-2020 là giai đoạn thoái trào của triển lãm Baselworld - ảnh 3
2021-2022: Ảnh hưởng của Covid-19 cùng những xáo trộn ở thượng tầng của MCH Group đã khiến triển lãm Baselworld không thể diễn ra. Cho đến hiện tại, không có bất kỳ thông tin nào về thời điểm triển lãm này sẽ quay trở lại.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của “đế chế” Baselworld
1. Chi phí cao đối với các đơn vị tham gia lẫn khách tham quan
Chi phí có lẽ là nguồn cơn dẫn đến sự sụp đổ của triển lãm Baselworld sau hơn 100 năm tồn tại. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020, người tham dự Baselworld đã cảm thấy không hài lòng về chi phí khách sạn. Chủ tịch của Kaiser Time – Steven Kaiser cho biết: “Basel đã trở thành thành phố thiếu hiếu khách nhất trên thế giới. Giá cả tại đây khiến bạn có cảm giác mình bị móc túi. Một tách cà phê có giá 6 đô la, trong khi một khách sạn 3 sao tiêu tốn đến 600 đô la cho một đêm”.
Chi phí cao cũng là rào cản lớn khi người tham dự phải lưu trú tại những nơi bên ngoài thành phố, khiến thời gian trải nghiệm của họ tại sự kiện bị thu hẹp.
Chi phí đắt đỏ chính là nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt tên tuổi lớn rút khỏi triển lãm Baselworld - ảnh 4
Baselworld không chỉ nổi tiếng là đắt đỏ đối với người tham dự mà còn với cả những đơn vị tham gia triển lãm. Đây cũng chính là yếu tố dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng tham dự của các thương hiệu. Swatch Group đã rút 17 thương hiệu của mình khỏi Baselworld 2019 vì vấn đề liên quan đến chi phí. Trước đó, tập đoàn này đã chi khoảng 40 triệu Franc Thụy Sỹ để tham gia triển lãm, với các khoản chi cho không gian gian hàng, phí xây dựng, nhân sự, chỗ ở…
Giám đốc điều hành của tập đoàn LVMH cũng cho biết họ đã phải chi khoảng 20 triệu Franc Thụy Sỹ cho sự góp mặt của 4 thương hiệu tại Baselworld.
2. Triểm lãm đã mất dần sức hấp dẫn
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng sự sụp đổ của triển lãm Baselworld là một “cái chết chậm rãi và đau đớn”. Nguyên nhân chính đến từ sự ra đi của nhiều thương hiệu lớn, bao gồm cả những tên tuổi đã gắn bó với triển lãm này từ những ngày đầu tiên. Dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý:
7/2018: Swatch Group tuyên bố rút khỏi Baselworld và tự tổ chức sự kiện Time To Move của riêng họ.
4/2019: Breitling rút khỏi Baselworld.
11/2019: Seiko và Grand Seiko tuyên bố rút khỏi triển lãm sau 33 năm tham dự.
Cuối năm 2019, Seiko tuyên bố rút khỏi triển lãm Baselworld sau 33 năm tham dự - ảnh 5
12/2019: Casio rút khỏi Baselworld và gia nhập Inhorgenta Munich.
2/2020: Không còn bất kỳ nhà sản xuất đồng hồ lớn nào của Nhật Bản tham gia sự kiện sau sự rút lui của Citizen.
4/2020: Rolex, Tudor, Patek Philippe, Chopard và Chanel đều đồng loạt tuyên bố rút khỏi triển lãm và giải thích rằng quyết định của họ được đưa ra mà không tham khảo ý kiến của ban tổ chức Baselworld. Cùng thời điểm này, LVMH cũng cho biết 4 thương hiệu của họ là TAG Heuer, Hublot, Bulgari và Zenith sẽ không tham dự triển lãm. Đây là “giọt nước tràn ly” khiến cho triển lãm Baselworld 2021 bị hủy bỏ.
Sức hút của triển lãm BaselWorld đã giảm dần theo thời gian, không còn đủ hấp dẫn để giữ chân những thương hiệu đồng hồ danh tiếng. Từ đó kéo theo hiệu ứng domino, người xem không còn quá nhiều cảm xúc và hứng thú để tham dự. Các thương hiệu đồng hồ nhỏ hơn cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo lắng và nối gót rút lui theo.
3. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến triển lãm Baselworld không thể “hồi sinh”. Quay lại thời điểm tháng 4/2020, ban tổ chức Baselworld cho biết những thương hiệu rời đi đã lên tiếng ủng hộ việc hoãn Baselworld 2020, cũng như bày tỏ sự đồng thuận về tầm nhìn tương lai cho sự quay trở lại của triển lãm. Tuy nhiên ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến Baselworld 2021 không thể diễn ra.
Bên cạnh đó, những xáo trộn về mặt thượng tầng của MCH Group cũng trở thành rào cản lớn cho sự quay trở lại của triển lãm. Tháng 11/2021, Beat Zwahlen – Tổng giám đốc điều hành MCH Group đã tuyên bố hủy bỏ Baselworld 2022 (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2022). Cùng thời điểm, giám đốc điều hành Baselworld – Michel Loris-Melikoff tuyên bố từ chức. Trong 3 năm làm việc của Michel Loris-Melikoff tại MCH, chỉ có duy nhất một triển lãm Baselworld được tổ chức vào năm 2018.
Giám đốc điều hành Baselworld Michel Loris-Melikoff tuyên bố từ chức vào cuối năm 2021 - ảnh 6
Chân dung giam đốc điều hành triển lãm BaselWold – Michel Loris-Melikoff
Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, Baselworld vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ nói riêng và thế giới nói chung trong suốt thế kỷ 20 và 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Chưa rõ liệu MCH Group có ý định “hồi sinh” Baselworld hay không, khi thời điểm hiện tại đã là 5 năm kể từ lần cuối triển lãm này được tổ chức.